You are here

  • 11.07.2024 | 1,012 lượt xem | Danh Thế Anh

Kiên Giang: nhiều đề tài khoa học có khả năng chuyển giao và ứng dụng vào đời sống

Nhiều đề tài khoa học về các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển, công nghệ sinh học, thực phẩm, mỹ phẫm, dược liệu có khả năng chuyển giao vào ứng dụng ngay trong đời sống.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học có khả năng chuyển giao và ứng dụng thực tế vào đời sống, đã được các đại biểu giới thiệu tại hội thảo khoa học ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang – Thực trạng và giải pháp. Hội thảo do Trường Đại học Kiên Giang phối hợp với Trường đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, UBND huyện Châu Thành tổ chức, ngày 10/7, tại huyện Châu Thành (Kiên Giang). Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường, viện nghiên cứu, Sở KH-CN các tỉnh vùng ĐBSCL tham dự.

Gần 200 đại biểu tham dự hội thảo khoa học

ThS. Nguyễn Phước Quý Tường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Khởi nghiệp – Trường Đại học Kiên Giang (KGU) cho biết, qua hơn 10 năm hoạt động, KGU đã có những kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, có 6 đề tài nghiên cứu có khả năng ứng dụng và chuyển giao choc các doanh nghiệp, người dân thực hiện. Tiêu biểu như mô hình và quy trình kỹ thuật nuôi cá thác lác cườm thương phẩm cải tiến dưới tán điện mặt trời. Mô hình và quy trình kỹ thuật nuôi kỳ tôm thương phẩm. Kỹ thuật nuôi gà ta có bổ sung thức ăn bã bia, giúp giảm chi phí thức ăn. Quy trình sản xuất rượu vang trái giác. Quy trình kỹ thuật sản xuất một số sản phẩm dinh dưỡng từ thành phần cám gạo. Quy trình kỹ thuật bào chế kem dưỡng da từ một số thành phần của cây khóm.

Bên cạnh đó, còn có nhiều lĩnh vực mà KGU đang tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và phục vụ cộng đồng. Nghiên cứu tạo ra các mô hình, quy trình, sản phẩm, giải pháp phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu sản xuất các thiết bị, công cụ, giải pháp phần mềm phục vụ hoạt động chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá phục vụ đời sống và công tác quản lý, kinh doanh của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.Nghiên cứu tạo ra sản phẩm, mô hình, giải pháp về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý và tái chế rác thải nhựa. Nghiên cứu tạo ra những mô hình, sản phẩm, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái bền vững cho địa phương. Nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên bản địa.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung tham quan các khu vực trưng bày sản phẩm

Đến từ Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT), ông Đặng Xuân Cường cho biết, HUIT có những hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ nổi, phục vụ tập trung cho 4 vấn đề: chuyển đổi số, tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại, cơ khí chính xác và kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Cụ thể, như chế tạo thiết bị sấy, xử lý môi trường và chiết xuất hoạt chất, robot phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiết bị sản xuất rượu, bia, nước ép trái cây… Công nghệ sản suất nước giải khát, sữa trái cây, sữa nông sản, thực phẩm chức năng, nguyên liệu dược, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản…

Tại Kiên Giang, trong 5 năm trở lại đây, đã có 200 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được nghiên cứu, thí điểm và đã có gần 170 đề tài, dự án đã hoàn thành và được đánh giá nghiệm thu, trong đó có 2 đề tài, dự án cấp quốc gia, 51 đề tài, dự án cấp tỉnh, còn lại là cấp cơ sở. Theo ông Nguyễn Thái Nguyên - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, các đề tài, dự án này bám sát nhu cầu thực tiễn của tỉnh. Tập trung theo lĩnh vực khoa học nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cho phát triển tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông – lâm – thuỷ sản. Như nghiên cứu chọn tạo các giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu mặn lên đến 6‰ trong suốt giai đoạn sinh trưởng, năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (đã chọn tạo được 2 giống lúa GKG31 và GKG35).  Nghiên cứu và xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm của nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như: ghẹ xanh, ốc hương, sò huyết, nghêu lụa, cầu gai, cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá chim vây vàng, cá trê suối Phú Quốc, cá thát lát, tôm cành xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được khoa học và công nghệ tác động, thành sản phẩm OCOP, thăng hạng OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể…

Đại biểu tham quan các khu vực trưng bày sản phẩm

Lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, điển hình là đề tài nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ bổ cập nước mưa vào hệ thống các túi nước ngầm trên đảo Hòn Ngang (xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải). Đây là đề tài cấp quốc gia đã được triển khai thí điểm thành công. Trong nghiên cứu này, đã xác định được cấu trúc và khả năng chứa của túi nước dưới đất, các nhà khoa học tiến hành tạo hệ thống hào thu nước trên sườn núi có bố trí vật liệu xử lý nước, dẫn về hệ thống bổ cập là các lỗ khoan qua các tầng đá, đưa nước trực di xuống các tầng nước ngầm. Số liệu qua hệ thống quan trắc và qua thực tế sử dụng nước trên đảo sau từng trận mưa đã cho thấy hiệu quả rất cao, xác định lượng bổ cập khá lớn. Giải pháp công nghệ này có khả năng ứng dụng nhân rộng cho đảo thành phó Phú Quốc và các đảo khác trên vùn biển Kiên Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ được xác định là một trong những quốc sách hàng đầu hiện nay, các giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo.

Thông qua các tham luận, kiến nghị tại hội thảo đã làm rõ thực trạng và đề xuất những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Các ngành và địa phương đầy mạnh động triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, để khoa học và công thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Trường Đại học Kiên Giang ký kết thỏa thuận hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu, giải pháp công nghệ với Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành.

Dịp này, Trường Đại học Kiên Giang ký kết thỏa thuận hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu, giải pháp công nghệ với Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, Sư đoàn bộ binh 4, các doanh nghiệp và 3 hộ dân huyện Châu Thành.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons