You are here

  • 24.07.2020 | 1,699 lượt xem | Võ Hoàng Nhân

KHOA NÔNG NGHIỆP - PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIÊN GIANG: Tạo cầu nối cho sinh viên thực tập và làm việc tại nước ngoài

Hiệu quả từ hai đợt kết nối đưa sinh viên đi thực tập nước ngoài của Khoa Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang có sức lan tỏa, tạo luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của sinh viên, phụ huynh về thực tập và làm việc ở nước ngoài.

   Theo thầy Dương Văn Nhã - Trưởng Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang, thấy thực tập ở nước ngoài rất có lợi cho sinh viên, thầy kết nối với các nước để đưa sinh viên đi nước ngoài thực tập. Trước khi đưa sinh viên đi thực tập, trường tìm hiểu rất kỹ nơi tiếp nhận sinh viên về môi trường sống, học tập, làm việc, mức thu nhập để đảm bảo tốt nhất quyền lợi sinh viên. Qua hai lần, trường đưa 13 sinh viên ra nước ngoài thực tập; đang chuẩn bị đưa 7 sinh viên đi đợt 3. “Trong quá trình thực tập, ngoài được học các môn chuyên ngành từ các giảng viên ở trường đại học nước sở tại, sinh viên còn được làm việc thực sự và được trả lương, nhiều sinh viên có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, mức thu nhập hấp dẫn không phải là điều quan trọng mà cốt yếu là sinh viên được học tập kiến thức, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc và rèn luyện sự tự tin trong cuộc sống”, thầy Dương Văn Nhã chia sẻ.

Thầy Dương Văn Nhã (bìa phải) - Trưởng Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang hướng dẫn sinh viên nuôi cấy mô.

   Chương trình thực tập ở nước ngoài có khác so Việt Nam, nhất là rèn luyện cho các em thái độ, tác phong, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp nên sinh viên ra trường đáp ứng rất tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các em được tiếp cận sản xuất nông nghiệp với công nghệ cao ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Sau khi thực tập, các em được cấp chứng chỉ thực tập, đây là ưu thế quan trọng của các em khi đăng ký tuyển dụng sau tốt nghiệp.

   Tháng 8-2020, em Thị Ngọc Quyên - sinh viên năm thứ 4, ngành công nghệ sinh học tiếp tục chuyến thực tập thứ hai tại Đan Mạch. Không còn cảm giác lo lắng như lần đầu đi Israel năm 2018, trái lại Quyên rất háo hức khi nghĩ về môi trường thực tập mới.

   Năm 2018, Quyên được trường kết nối, đưa đi thực tập tại nông trại trồng, thu hoạch, đóng gói rau thuộc miền Trung Israel. Tham gia thực tập, Quyên vừa trải nghiệm công việc thực tế tại nông trại như một nhân viên thực thụ, đồng thời được học 1 ngày/tuần kiến thức chuyên ngành nông nghiệp do các giảng viên của trường đại học nước sở tại đảm nhiệm, được đi thực tế ở nhiều nơi để học hỏi thêm kiến thức, công nghệ trồng trọt mới và kế hoạch kinh doanh. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, Quyên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thực tập và các chứng chỉ hoàn thành các môn học. Quyên chia sẻ: “Em học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích từ thầy cô ở trường đại học và các chủ nông trại. Em vừa chú tâm học trên lớp, từ thực tế và tích cực hỏi những điều mình chưa biết”.

   Chuyến thực tập cho Quyên nhiều điều, từ kiến thức bổ ích về nông nghiệp ở một nước tiên tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống tự lập đến sự tiến bộ vượt bật về giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong quá trình thực tập tại Israel, Quyên tìm hiểu và biết thêm nhiều nông trại ở nước ngoài tuyển thực tập sinh và đăng ký dự tuyển. Nhờ kiến thức, kinh nghiệm, vốn tiếng Anh tích lũy được trong thời gian thực tập tại Israel, Quyên được chọn thực tập tại Đan Mạch.

   Còn Trần Duy Khang, sinh viên ngành công nghệ sinh học đến một nông trại trồng và đóng gói chuối ở miền Bắc Israel thực tập khi mới là sinh viên năm thứ hai. Với Khang, những kiến thức, kỹ năng, vốn tiếng Anh học được trong thời gian làm việc, học tập tại đây vô cùng quý giá. Cũng như Quyên, mỗi tuần Khang được học 1 ngày từ các thầy cô ở trường đại học và các chủ nông trại. “Em học được nhiều kỹ thuật trồng trọt tiên tiến, nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh do được sử dụng tiếng Anh để học tập và giao tiếp hàng ngày”, Khang nói. Khang dự định sẽ đi thêmvnhiều nước trên thế giới để thực tập, từ đó mở mang kiến thức, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp.

   Để sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu của các nông trại tuyển thực tập sinh ở nước ngoài cũng như các công ty, doanh nghiệp trong nước, Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tham khảo ý kiến của doanh nghiệp về yêu cầu đối với người lao động, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết, Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được trường đầu tư trang trại với diện tích hơn 2ha, quy hoạch xây dựng khu nhà lưới 2.000m2 và 2 ao cá nuôi trồng thủy sản, 1 trại chăn nuôi cho sinh viên thực tập và 1 khu thực nghiệm khoa học cây trồng. Trang trại này giúp sinh viên được thực tập theo quy trình khép kín để  tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trước khi thực tập tại doanh nghiệp. Trong trang trại, nhà trường hướng đến ứng dụng công nghệ nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình thủy canh, chăn nuôi khép kín trên một chuỗi giá trị...

Năm 2020, Trường Đại học Kiên Giang tuyển sinh 4 ngành thuộc Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm công nghệ sinh học, nuôi trồng thủy sản , khoa học cây trồng, chăn nuôi. Với các ngành này, sinh viên có nhiều lựa chọn công việc sau tốt nghiệp như làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp; tự sản xuất, kinh doanh; tham gia các lớp vừa làm vừa học tại nước ngoài...

 

Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN

AddThis Sharing Buttons