You are here

  • 05.10.2019 | 1,406 lượt xem | Võ Hoàng Nhân

Hiệu phó ĐH Kiên Giang nói về 2 nơi khởi nghiệp tốt nhất cho người khao khát làm giàu

Có mặt tại trường ĐH Kiên Giang, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đã đi qua nhiều tỉnh miền Tây và bắt gặp tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, như phong trào "đồng khởi khởi nghiệp" tại Bến Tre, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi tại ĐH Kiên Giang được nghe lãnh đạo nhà trường chia sẻ những hoạt động thực tế vô cùng sôi động về khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Hành trình Từ Trái Tim tiếp tục đi sâu vào ĐBSCL để truyền cảm hứng khởi nghiệp kiến quốc và tặng sách nền tảng đổi đời. 

Hai môi trường lý tưởng để khởi nghiệp: Trong lòng doanh nghiệp và trong trường đại học

Mới thành lập được khoảng 5 năm nhưng ĐH Kiên Giang là một trong những trường tiên phong về phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh. Cuộc thi phát triển nghiên cứu, sáng tạo khởi nghiệp của nhà trường mới đây đã xuất hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học đáng nể của các bạn sinh viên. Chẳng hạn như việc chiết xuất tinh dầu lá dứa để khử mùi xe hơi, dùng cám gạo làm mỹ phẩm dưỡng da và làm sạch da, sản xuất rượu vang trái giác (một loại quả có rất nhiều ở miền Tây)...

Chỉ trong một cuộc thi đã có tới 61 ý tưởng khởi nghiệp đầy khả thi được đưa ra. Các bạn sinh viên rất quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp nhằm phát triển các điều kiện vốn có tại địa phương.

Hiệu phó ĐH Kiên Giang nói về 2 nơi khởi nghiệp tốt nhất cho người khao khát làm giàu - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Hiệu trưởng ĐH Kiên Giang.

Theo ông Khanh, đây là sự sáng tạo rất đáng nể, thể hiện ý chí vượt khó vươn lên mạnh mẽ của sinh viên. "Sức sáng tạo của thanh niên miền Tây nói chung và sinh viên ĐH Kiên Giang nói riêng rất mạnh mẽ. Tất nhiên từ chỗ có ý tưởng đến khi hội tụ đủ các nhân tố để tiến hành thực thi, chinh phục khát vọng thì vẫn còn là quãng đường dài, nhưng tôi tin các bạn trẻ sẽ làm được nhiều điều đáng nể".

Ông Khanh phân tích, có khát vọng là điều rất quan trọng nhưng bước tiếp theo cần làm là phải hoạch định kế hoạch thực thi. Kế hoạch này càng chi tiết, cụ thể, cơ hội thành công càng lớn Sau khi tính toán các nguồn lực, có kế hoạch rõ ràng, sinh viên có thể bắt tay khởi nghiệp mà không cần lo nghĩ quá nhiều về thất bại. 

"Bởi nếu đã lên kế hoạch đủ kỹ lưỡng, kết nối các nguồn lực, làm hết sức mình mà vẫn thất bại thì đó sẽ là bài học rất quý, giúp các bạn sinh viên có nhiều cơ hội thành công hơn trong lần khởi nghiệp kế tiếp".

Ông Khanh cho rằng, có 2 môi trường lý tưởng để khởi nghiệp. Đầu tiên là khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp. Nhiều người đi làm thuê hiện nay đang mang tư tưởng đi làm kiếm tiền, chờ hết giờ hoặc xong việc rồi về. Thế nên, khả năng của họ chỉ bị mòn đi chứ không phát triển thêm. Thay vào đó, người làm thuê mà có tư duy làm chủ, luôn chủ động trong công việc thì sớm hay muộn cũng sẽ thành công.

"Trong cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Chung Ju Yung từ khi còn là nhân viên giao gạo thuê đã tự coi công việc làm thuê là việc của mình. Ông luôn chăm chỉ dậy sớm dọn dẹp cửa hàng, sắp xếp sổ sách khoa học và thức trắng đêm, học chở gạo sao cho mỗi chuyến đi, chở được nhiều bao gạo nhất. Đó chính là sự khởi nghiệp ngay từ khi còn làm thuê".

Theo ông, môi trường doanh nghiệp là nơi lý tưởng để các phát kiến, sáng tạo của sinh viên có cơ hội được thực thi dễ dàng. Những sinh viên có xuất phát thấp, thiếu điều kiện về vốn, mối quan hệ... rất nên tham khảo cách khởi nghiệp từ trong lòng doanh nghiệp, tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ trước khi nghĩ đến việc bước ra ngoài mở công ty để làm chủ.

Môi trường khởi nghiệp lý tưởng thứ 2 là ở chính trường ĐH. Tại đây, sinh viên được nhà trường hỗ trợ nghiên cứu, phân tích ý tưởng khởi nghiệp, tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp và hỗ trợ một phần vốn. 

"Hiện tại, ĐH Kiên Giang đang xây dựng CLB khởi nghiệp. Chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp và đầu tư vốn. Rất mong trong thời gian tới, Tập đoàn Trung Nguyên sẽ là một trong những doanh nghiệp tham gia vào dự án này của ĐH Kiên Giang".

Nữ sinh nghèo muốn trở thành "bà chủ hệ thống resort lớn nhất Việt Nam"

Chia sẻ trong buổi giao lưu cùng PGS-TS Trần Hữu Đức, bạn Ngọc Dung (khoa Kinh tế & Du lịch) cho biết, dù có xuất phát rất thấp (ba chạy xe ôm, má bán đồ ăn sáng) nhưng từ nhỏ, Dung đã mơ ước trở thành bà chủ hệ thống resort lớn nhất tại Việt Nam.

Ngọc Dung tin rằng, đã là con người thì ai cũng có nhu cầu được hưởng thụ, tiêu tiền. "Mình nghĩ mọi tầng lớp đều có quyền được vui chơi, nghỉ dưỡng và muốn làm ra hệ thống resort phục vụ nhu cầu đó. Mình cũng muốn thành công để chứng minh rằng, một người có xuất phát thấp như mình còn có thể thành công thì tất cả chúng ta, ai cũng có thể làm như vậy".

Tuy nhiên, Dung cũng thú nhận rằng, ngoài việc xác định được năng lực lõi và có khát vọng lớn, cô còn bối rối về cách làm thế nào để vươn tới thành công.

Giải đáp thắc mắc này, PGS-TS Trần Hữu đức cho rằng, để thành công với khát vọng lớn này, Dung nên đầu tư thời gian học hỏi về kỹ năng quản trị kinh doanh, tìm hiểu thị trường du lịch, bất động sản, các lớp dạy kỹ năng mềm, quản lý tài chính...

Ngoài ra, muốn khởi nghiệp, ngay từ bây giờ, Dung và các bạn sinh viên giống cô nên dành thời gian đọc càng nhiều sách càng tốt. Ngoài 5 đầu sách nền tảng đổi đời mà Hành trình Từ Trái Tim trao tặng, Dung nên tìm đọc các cuốn khác trong tủ sách này. Đây là những cuốn sách quý được Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ lực chọn, chứa đựng tri thức về 12 lĩnh vực căn cốt, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành gồm Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học.

Theo ông Đức, khi chúng ta khởi nghiệp thì phải có đầy đủ các nền tảng cần thiết, phải am hiểu tất cả các lĩnh vực để hiểu biết sự liên thông tuần hoàn của tri thức nhân loại. Nền móng tri thức vững vàng, khả năng khởi nghiệp thành công càng cao. Nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi kiến thức nhà trường, ít kiến thức mà muốn bắt tay vào kinh doanh, với xuất phát thấp, thiếu vốn, mối quan hệ... khả năng thất bại sẽ cao hơn là khi có nền móng vững vàng, hiểu biết sâu rộng.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng khuyên Dung nên dành thời gian đi thực tập, trải nghiệm ở các doanh nghiệp lớn.

Theo https://soha.vn/hieu-pho-dh-kien-giang-noi-tot-nhat-de-khoi-nghiep-la-trong-long-doanh-nghiep-va-truong-dai-hoc-20190922195105269.htm

AddThis Sharing Buttons