You are here
- 24.03.2022 | 2,462 lượt xem | Như Ngọc
Đổi mới trong đào tạo nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường
Ngành Tài nguyên và Môi trường được Đảng và Nhà nước xác định là ngành trụ cột để quản lý phát triển bền vững, là trụ cột để khai thác tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững và cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, đã cho thấy nhu cầu nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành này cũng vô cùng rộng mở.
HƠN 95% SINH VIÊN CÓ VIỆC LÀM
Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Kiên Giang với đội ngũ tham gia đào tạo 100% thạc sĩ trở lên, trong đó có 50% đạt trình độ phó giáo sư, tiến sĩ. Hiện nay sinh viên đang theo học tại Khoa gồm có 2 chương trình chính là Cử nhân Quản lý tài nguyên và môi trường và Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Thống kê sau một năm tốt nghiệp ở mỗi khóa sinh viên của Khoa Tài nguyên và Môi trường có việc làm trên 95%, trong đó trên 80% làm đúng ngành: tư vấn, kinh doanh, vận hành, bảo trì các hệ thống bảo vệ môi trường, quản lý an toàn, môi trường, sức khỏe trong các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và du lịch, trong các đơn vị quản lý tài nguyên môi trường của nhà nước; số còn lại làm việc trong các cơ quan nhà nước khác và kinh doanh khác.
Cựu sinh viên khóa 1 Lê Minh Khoa – Trưởng bộ phận Kỹ thuật Công viên nước, Chi nhánh Cty TNHH Mặt trời Phú Quốc tại Hòn Thơm, Tập đoàn Sun Group (áo xanh) đang kiểm tra kỹ thuật tại công ty
Theo TS. Danh Mô – Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường: Chương trình đào tạo được thiết kế có thời lượng thực hành, thực tập thực tế trên 50%. Tập trung đào tạo chuyên sâu về quản lý tài nguyên môi trường du lịch, quản lý đất đai, kỹ thuật HSE (an toàn môi trường sức khỏe). Ngoài ra, khoa còn đào tạo thêm các chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật môi trường biển trên bờ.
Bạn Nguyễn Thị Bích Tuyền, cựu sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, cho hay: trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường, em đã được đi thực tập, thực tế ở các doanh nghiệp và định hướng được tính chất công việc. Với những kiến thức học được ở trường, em đã nhanh chóng tìm được công việc ổn định sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập khá”.
PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI HỌC
Ngoài chuẩn chung về đạo đức, kiến thức, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, chương trình đào tạo của Khoa Tài nguyên và Môi trường tập trung trang bị cho sinh viên các kỹ năng làm việc, ứng dụng, sáng tạo và hội nhập trong ngành nhằm đáp ứng tốt vị trí việc làm trong xã hội và nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Các vị trí việc làm phổ biến thường được thị trường lao động tuyển dụng là: tư vấn, kinh doanh, vận hành, bảo trì các hệ thống bảo vệ môi trường; quản lý an toàn môi trường - sức khỏe trong các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và du lịch...
Để tổ chức thực hiện chương trình, Khoa có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. Điển hình như việc phối hợp với các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ giảng dạy các học phần thực hành, thực tập, kiến tập. Chủ động liên hệ doanh nghiệp hướng dẫn sinh viên thực tập ngành nghề tại cơ sở với thời gian thực tập lên đến 3 tháng và lâu hơn đối với Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật môi trường.
Sinh viên tham quan thực tập tại nhà máy xử lý nước thải tập trung - KCN Trà Nóc
“Để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên, giảng viên phải thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, tập trung phát triển các kỹ năng làm việc, ứng dụng, sáng tạo và hội nhập, không lấy thuộc lòng lý thuyết suông để đánh giá kết quả. Ngoài ra khoa còn là cầu nối liên kết nhà tuyển dụng, cựu sinh viên để giới thiệu cho sinh viên đang theo học trao đổi kinh nghiệm phỏng vấn, tìm việc và hợp tác” – TS. Danh Mô nói.
Là một trong những đơn vị sử dụng người lao động, ông Trần Phương Tâm – Giám đốc Công ty TNHH Môi trường tài nguyên, đánh giá qua quá trình tiếp nhận sinh viên của khoa Tài nguyên và Môi trường đến làm việc công ty nhận thấy các em có khả năng thích nghi cao; khoa đào tạo kỹ năng, chương trình đào tạo phù hợp với công việc; trang bị tốt cho sinh viên các kỹ năng như: viết báo cáo, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành thực hiện công việc gắn liền với thực tế.
Hiện nay Khoa đang nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất, thu nhập tốt, mở thêm các ngành đào tạo mới đang có nhu cầu lao động cao, đặc biệt là các ngành an toàn lao động và môi trường sức khỏe. Song song đó khoa đang đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế để trở thành một trong những đơn vị mạnh về đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ về chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường du lịch và bảo vệ môi trường kinh tế biển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
NHƯ NGỌC
Trang bị phòng thí nghiệm chuyên sâu Khoa Tài nguyên và Môi trường được đầu tư 2 phòng thí nghiệm chuyên sâu để dạy thực hành và nghiên cứu về tài nguyên môi trường. Các phòng thí nghiệm này được trang bị các máy móc, thiết bị phân tích hiện đại, có độ nhạy, chính xác cao (máy sắc ký khí, sắc ký lỏng cao áp, máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, các máy quan trắc không khí …), các loại máy phân tích nhanh môi trường đất, nước, không khí tại hiện trường. Ngoài ra để bổ trợ thêm cho quá trình thực hành, nghiên cứu, còn có các phòng thí nghiệm cơ bản được bố trí các thiết bị có hiệu suất làm việc cao như hệ thống vô cơ hóa mẫu, hệ thống chưng cất tự động, máy đo quang phổ UV-Vis, so màu… Hằng năm, Khoa được Nhà trường trang bị thêm danh mục các máy móc, thiết bị, dụng cụ thí nghiệm mới để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập hiện đại, đáp ứng kịp thời các nhu cầu mới của thị trường trong, ngoài nước. |