You are here

  • 08.09.2019 | 1,685 lượt xem | Võ Hoàng Nhân

Cô giáo dạy tiếng Anh ứng dụng phần mềm thông minh

GD&TĐ - Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy tiếng Anh ở các cấp lớp và tiếp cận nhiều phương pháp tiến bộ, cô Hồ Bích Như đã áp dụng sáng kiến giảng dạy thông qua phần mềm Schoology khi về nhận nhiệm vụ tại Khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Kiên Giang.

Không ngừng đổi mới

  Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ở Trường ĐH An Giang, cô Hồ Bích Như bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 2000. Cô từng dạy các trường THCS và THPT khác nhau ở tỉnh An Giang. Có thời điểm, cô còn ra xã đảo Hòn Tre - huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) dạy học. Năm 2007, cô chuyển vào TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tiếp tục dạy tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trước khi nhà trường chuyển đổi sang cơ chế tư thục, với tên gọi mới Ischool.

  Trong quá trình học cao học, cô Như được chứng kiến các giáo sư trình bày hệ thống quản lý học trực tuyến Moodle. Năm 2015, cô về Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Kiên Giang và bắt đầu lên ý tưởng áp dụng phần mềm thông minh hỗ trợ công tác giảng dạy.

  Tuy nhiên, ứng dụng Moodle lúc trước có thu phí sử dụng, trong khi cô Như lại mong muốn tìm một ứng dụng khác chấp nhận người dùng sử dụng miễn phí để thuận tiện phổ biến cho các em sinh viên và không phải tốn kém. May mắn, có một đồng nghiệp cũ dạy Toán tại An Giang giới thiệu cho cô phần mềm Schoology. Vì cô Như là một trong những người tiên phong sử dụng Schoology trong khu vực nên đơn vị kinh doanh dựa trên phần mềm này quyết định miễn phí sử dụng các chức năng cơ bản.

Schoology tiện lợi như thế nào?

  Schoology vốn là một diễn đàn được thiết kế bởi Jeremy Friedman, Ryan Hwang và Tim Trinidad vào năm 2017 khi cả 3 còn là sinh viên Trường ĐH Washington. Schoology trở thành một hệ thống quản lý học tập (LMS) cho các trường phổ thông và cơ sở giáo dục ĐH. Ứng dụng cho phép người dùng tạo, quản lý và chia sẻ nội dung cho cộng đồng những nhà giáo dục trên toàn thế giới.

  Nền tảng Schoology dựa trên điện toán đám mây, cho phép giáo viên tổ chức khóa học và quản lý nội dung học tập của sinh viên. Đồng thời, họ có thể chia sẻ và kết nối với những nhà giáo dục khác ngay trên blog của mình.

  Cô Hồ Bích Như chia sẻ: “Thông qua Schoology, tôi sẽ tạo tài khoản, tạo khóa học, cấp mã đăng nhập cho sinh viên trong lớp. Sinh viên vào ứng dụng điền thông tin và trở thành thành viên. Trên Schoology, giảng viên có thể tải các tài liệu bằng file pdf, word, file âm thanh, hình ảnh… thay vì tốn thời gian gửi mail tới từng sinh viên”.

  Theo cô Như, khi giảng dạy ĐH, vấn đề nằm ở chỗ thời lượng trên lớp hạn chế, đòi hỏi sinh viên phải tự học. Schoology rất phù hợp cho sinh viên tự trau dồi các kỹ năng ngoài giờ học chính khóa. Khi tạo bài tập trên Schoology, cô Như có thể hình thành một diễn đàn trao đổi. Sinh viên này tải bài tập của mình lên thì các sinh viên khác sẽ tiếp cận được và cho ý kiến. Bản thân giảng viên cũng dễ dàng chấm điểm. Trong bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, Schoology phục vụ kỹ năng viết essay (bài luận) rất tốt. Nếu muốn tổ chức làm bài tập nhóm, cô Như tiến hành tạo nhóm riêng, cho từng nhóm bài tập rồi giao hẹn thời gian hoàn thành cuối cùng.

Quá trình học tập năng động

  Việc ứng dụng Schoology tạo tiền đề cho việc đa dạng hóa hoạt động học tập thông qua các hoạt động ngoại khóa. Các đợt ngoại khóa Khoa Ngoại ngữ đưa sinh viên đến những địa điểm du lịch. Sinh viên vừa tham quan vừa thực hành nói tiếng Anh và giao tiếp với người nước ngoài tại khu vực họ đến.

  Kết thúc một chuyến dã ngoại, cô Như chia nhóm cho các em sinh viên làm clip tường thuật lại về những trải nghiệm bằng tiếng Anh, sau đó đăng tải lên Schoology để các bạn nhóm khác theo dõi, góp ý và giảng viên chấm điểm. Quan sát một lớp học được cô Như triển khai sử dụng ứng dụng Schoology và trình chiếu các clip do sinh viên tự dựng sẽ thấy các em dựng clip thật công phu, nói tiếng Anh khá lưu loát và rất mạnh dạn thể hiện trước màn ảnh.

  Sau một thời gian áp dụng Schoology, cô Hồ Bích Như đánh giá đa số các em sinh viên đều thích thú, học tập tích cực hơn, có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu tham khảo hơn. Trong một nghiên cứu khoa học do cô Như tiến hành, có hai nhóm khảo sát, một nhóm học thông qua Schoology, một nhóm học theo phương pháp truyền thống. Kết quả cho thấy nhóm học thông qua Schoology đạt kết quả cao hơn.

  Sắp tới, cô Hồ Bích Như hy vọng xây dựng “mô hình lớp học đảo ngược” (flipped classroom model) dựa trên công nghệ e-learning. Theo đó, giảng viên đăng tải trước các video, sinh viên xem các bài giảng này tại nhà. Thời gian ở lớp chỉ dành cho các hoạt động củng cố, mở rộng kiến thức và tạo ra những cơ hội học tập thú vị hơn.

  Cô Như còn mong muốn cho các em sinh viên thực hiện kiểm tra năng lực trên hệ thống Schoology, tuy nhiên, hệ thống này chỉ đang chấp nhận việc sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản, nên một lớp học trên 30 sinh viên dễ khiến tính năng Schoology bị quá tải. Cô Như cho biết đang hướng đến giải pháp với một nền tảng mạnh hơn.

Theo Báo Giáo Dục và Thời Đại (https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/co-giao-day-tieng-anh-ung-dung-phan-mem-thong-minh-4030053-b.html)

AddThis Sharing Buttons