You are here

  • 15.10.2024 | 40 lượt xem | Nguyễn Hoàng Như Ý

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIÊN GIANG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG CHUYÊN MÔN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ CHO ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP BỘ NĂM 2023

Ngày 14/10/2024, Trường Đại học Kiên Giang tổ chức buổi họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá và nghiệm thu cấp cơ sở cho đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của loài chân chim bầu dục (Schefflera elliptica (Bl.) Harms.), họ Nhân sâm (Araliaceae)”, do Tiến sĩ Ngô Trọng Nghĩa làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh buổi họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá và nghiệm thu cấp cơ sở

Hội đồng tiến hành đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài so với mục tiêu, nội dung, nghiệm thu sản phẩm đã được phê duyệt trong thuyết minh và hợp đồng. Đề tài do TS. Ngô Trọng Nghĩa, giảng viên Khoa Tài nguyên - Môi trường chủ trì, với mục tiêu phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất từ loài cây chân chim bầu dục, đồng thời thử nghiệm khả năng ức chế enzyme α-glucosidase của các hợp chất này. Việc nghiên cứu các hợp chất có khả năng ức chế enzyme α-glucosidase, enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa đường, mở ra tiềm năng lớn trong phát triển các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường – một căn bệnh phổ biến hiện nay.

TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kiên Giang (bên phải), chủ tịch hội đồng

Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đã phân lập và nhân danh được 17 hợp chất từ lá loài chân chim bầu dục (Schefflera elliptica (Bl.) Harms.), trong đó có 2 hợp chất hoàn toàn mới trên thế giới là Heptaellipside A (SE17) và Heptaelliptoic acid A (SE28). Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của các cao chiết và các hợp chất phân lập được từ lá chân chim bầu dục đã được đánh giá. Kết quả thử nghiệm cho thấy 10 trong số 17 hợp chất này có khả năng ức chế enzyme α-glucosidase mạnh mẽ, với giá trị IC50 dao động từ 10.90 đến 105.27 μM, vượt trội so với đối chứng dương Acarbose (IC50 = 214.5 μM). Đây được coi là bước tiến lớn trong nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên có tiềm năng ứng dụng trong dược liệu, đặc biệt trong điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh chuyển hóa.

TS. Ngô Trọng Nghĩa chủ nhiệm đề tài giải trình các vấn đề đặt ra của Hội đồng

Đề tài mang lại nhiều thành quả khoa học quan trọng, bao gồm 02 bài báo quốc tế thuộc danh mục WoS (Q2) và 01 bài báo trong nước. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ và đăng ký bằng sáng chế giải pháp hữu ích. Quy trình phân lập các hợp chất cũng đã được hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc phát triển nghiên cứu hóa học các hợp chất thiên nhiên.

Hội đồng và nhóm nghiên cứu

Những kết quả này không chỉ được công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học quốc tế mà còn được lưu giữ, cung cấp cho cộng đồng học thuật thông qua thư viện Trường Đại học Kiên Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chuyên ngành hóa thực vật và dược liệu trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Như Ý

AddThis Sharing Buttons