You are here

  • 19.05.2021 | 2,202 lượt xem | Như Ngọc

Thả 300 con cá ngựa về vùng thảm cỏ biển Phú Quốc

Ngày 17/5 vừa qua, Trường Đại học Kiên Giang đã phối hợp cùng Vườn Quốc gia Phú Quốc thả 300 con cá ngựa về lại tự nhiên tại vùng thảm cỏ biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Đây là hoạt động nằm trong dự án “Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá ngựa (Hippocampus kuda) tại tỉnh Kiên Giang” do ThS. Phạm Minh Tứ, giảng viên khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang làm chủ nhiệm.

Ths. Phạm Minh Tứ - Trường Đại học Kiên Giang  - thả 300 con cá ngựa về Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Theo ThS. Phạm Minh Tứ, việc thả lại tự nhiên 300 con cá ngựa do nhóm nghiên cứu đã thu hơn 100 cá ngựa bố mẹ ban đầu từ nguồn lợi tự nhiên để thực hiện các nội dung của dự án sản xuất giống và nuôi thương phẩm theo hướng bảo tồn.

“Thông qua hoạt động thả cá về biển này cũng nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt đối với các loài có giá trị, dễ bị tổn thương và đang ngày càng suy giảm nguồn lợi như cá ngựa” – ThS. Phạm Minh Tứ nói.

Cá ngựa được nuôi tại Trường Đại học Kiên Giang

Được biết, Khu bảo tồn biển Phú Quốc (thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc) nằm trong vùng biển thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, là một trong 11 Khu bảo tồn biển hiện có tại Việt Nam và có tổng diện tích là 40.909,47 ha. Trong đó, với diện tích thảm cỏ biển khá lớn khoảng 10.000 ha, là điều kiện thuận lợi cho những loài vật biển sinh sôi, phát triển như cá ngựa, cua, ghẹ....

NHƯ NGỌC

Cá ngựa (Hippocampus spp.) là một loài cá biển thuộc họ Syngnathidae, họ này còn bao gồm cá chìa vôi (pipefish) và cá hải long (seadragon). Cá ngựa nói chung và cá ngựa đen (Hippocampus kuda) nói riêng là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, mặc dù giá trị dinh dưỡng không cao nhưng lại có giá trị cao trong y học, đặc biệt là trong Đông y. Chính vì thế mà cá ngựa không chỉ là mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước mà còn là mặt hàng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng khai thác cá ngựa ngoài tự nhiên hiện thấp hơn nhiều so với 5 năm trước đây và đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Kể từ tháng 05/2004 cá ngựa được thêm vào phụ lục II Công ước buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Công ước bắt buộc các nước xuất khẩu loài nguy cấp phải chịu giám sát thương mại quốc tế và đảm bảo không gây bất lợi cho sự tồn tại lâu dài của quần thể tự nhiên. Có 7 loài cá ngựa phân bố ở Việt Nam, 4 loài nằm trong Sách đỏ cấp độ VU, cấp độ cho biết loài nguy cấp, và 3 trong 4 loài được tìm thấy ở vùng biển Kiên Giang.

 

AddThis Sharing Buttons