You are here

  • 25.03.2022 | 1,245 lượt xem | Như Ngọc

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp

Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển nền nông nghiệp tiên tiến.

ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÃ HỘI

Để đào tạo sinh viên khối ngành nông nghiệp theo định hướng ứng dụng, Trường Đại học Kiên Giang đã đầu tư trang trại với diện tích hơn 2ha, quy hoạch xây dựng khu trang trại ngay trong khuôn viên trường Đại học Kiên Giang gồm nhà lưới 2.000m2. Trang trại được chia làm 04 khu với những chức năng chuyên biệt nhưng có sự tương tác và hỗ trợ nhau để thành một hệ thống canh tác liên ngành gồm có: Khu thực nghiệm cho chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và công nghệ sinh học được thiết kế theo hướng công nghệ cao phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học và cuối cùng là dịch vụ.

Khu thực nghiệm trồng trọt trong hệ thống nhà lưới

Khoa Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện có 241 sinh viên đang theo học ở 4 ngành Công nghệ sinh học, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản; phần lớn sinh viên Việt nam từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra còn có sinh viên từ Lào, Indonesia, Campuchia. Để bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, Khoa thường trao đổi với các doanh nghiệp, cơ quan có nhu cầu tuyển sinh để hiệu chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó,  Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tăng cường ký kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo điều kiện cho sinh viên học tập nghiệp vụ, thực tập tại doanh nghiệp. Kết quả, đến nay sinh viên có việc làm đạt tỷ lệ trên 80%.

Giảng viên và sinh viên khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phòng thực hành nuôi cấy mô

TS. Dương Văn Nhã – Trưởng khoa Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết “Trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, do đó Khoa thiết kế chương trình đào tạo theo hướng thực hành nhiều hơn. Khoa còn liên kết với doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu đưa sinh viên đến thực tập để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề, làm quen môi trường làm việc. Thực tập doanh nghiệp là dịp để sinh viên kiểm nghiệm lý thuyết đã học tại trường, đồng thời học tập thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm là điều kiện tốt nhất để sinh viên Khoa có thể trang bị cho mình hành trang vào đời”.

ĐƯA SINH VIÊN THỰC TẬP NƯỚC NGOÀI

Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập và làm việc ở nước ngoài, đây là môi trường tốt để sinh viên học tập kiến thức chuyên môn, rèn luyện tác phong, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, văn hóa của các nước và môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế.  Từ năm 2017 đến nay, Khoa đã đưa 23 sinh viên thuộc các ngành Công nghệ sinh học, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản đi học tập và thực hành nông nghiệp tại Israel trong thời gian từ 6 đến 11 tháng. Kết quả sau 11 tháng ở nước ngoài, kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của sinh viên được nâng cao một cách rõ nét; các kiến thức học được từ nước ngoài sẽ được thay thế cho những môn tương được trong chương trình ở Trường, nên việc học tập nước ngoài không kéo dài chương trình học. Bên cạnh đó, sinh viên còn được thu nhập tốt để làm vốn cho tương lai.

Sinh viên Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan Trường Đại học Andalas, Indonesia

Bạn Vũ Cẩm Tú, cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học được trường đưa đi Israel thực tập. Sau chuyến đi, Tú tự tin hơn, khả năng tiếng Anh cải thiện, vốn sống phong phú hơn vì được tiếp xúc nền văn hóa mới, quen nhiều bạn, sống tự lập hơn... “Em thích môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài cùng sự tự tin về kiến thức, kỹ năng, vốn tiếng Anh tích lũy được qua chuyến đi Israel, em tiếp tục đăng ký đi Đan Mạch thực tập để học thêm phương thức sản xuất nông nghiệp ở các nước Châu Âu tiên tiến” – Cẩm Tú chia sẻ.

Hiệu quả từ việc kết nối đưa sinh viên đi thực tập nước ngoài của khoa có sức lan tỏa, tạo luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của sinh viên, phụ huynh về thực tập và làm việc ở nước ngoài. TS. Dương Văn Nhã cho biết quá trình thực tập, ngoài được học các môn chuyên ngành từ giảng viên ở trường đại học nước sở tại, sinh viên được làm việc, được trả lương, nhiều sinh viên có thu nhập cao. Tuy nhiên, mức thu nhập hấp dẫn không phải là điều quan trọng mà cốt yếu là sinh viên được học tập kiến thức, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc và rèn luyện tự tin trong cuộc sống. Hoàn thành thực tập, các em được cấp chứng chỉ, đây là ưu thế quan trọng của các em khi đăng ký tuyển dụng sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi thực tập sinh tại nước ngoài được cấp chứng chỉ, Trường Đại học Kiên Giang sẽ xem xét công nhận chuyển đổi cho 1 số học phần có trong chương trình đào tạo. Từ đó, sinh viên sẽ rút ngắn thời gian học tập.

Bạn Nguyễn Hoàng Khang, sinh viên ngành Công nghệ sinh học đang thực tập ở nông trại tại Đan Mạch

Thời gian tới, khoa Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội. Tất nhiên, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tìm thêm cơ hội đưa sinh viên học tập ở các nước khác, cụ thể thực tập sinh tại Nhật trong năm tới. Tiếp tục chiêu sinh, tiếp nhận sinh viên các nước Indonesia, Lào, Campuchia,... tạo cơ hội học tập và giao lưu quốc tế.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons