You are here

  • 25.03.2022 | 1,968 lượt xem | Như Ngọc

Hơn 96% sinh viên kinh tế ra trường có việc làm

Sinh viên khi tốt nghiệp ngành kinh tế có cơ hội việc làm đa dạng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Theo thống kê hơn 96% sinh viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiên Giang có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

TĂNG CƯỜNG CHO SINH VIÊN THỰC HÀNH, TRẢI NGHIỆM

Hằng năm, lượng hồ sơ nộp vào ngành kinh tế khá lớn, điều này khẳng định chất lượng đào tạo ngày càng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiên Giang hiện nay đang đào tạo 1.700 sinh viên ở 3 ngành đào tạo chính là Kế toán, Tài chính – Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, với 9 chuyên ngành đào tạo cấp 5 bao gồm: kế toán, kế toán xây dựng, kế toán thương mại - du lịch, tài chính – ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành, quản trị kinh doanh khách sạn và quản trị kinh doanh khu vui chơi giải trí & tổ chức sự kiện.

Khoa có 26 giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 6 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh. Với mục tiêu đào tạo ra cử nhân kinh tế không những giỏi về lý thuyết mà còn vững về thực hành chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng tự hoạch định cho tương lai và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng đang làm việc tại Ngân hàng Liên Việt, chi nhánh Rạch Giá

Sinh viên khoa Kinh tế thực hành quầy tại Nhà khách

Để đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy và học tập của sinh viên, khoa Kinh tế được Nhà trường đầu tư các trang thiết bị phục vụ thực hành về mô hình chứng khoán ảo và các mô hình đầu tư tài chính theo hướng hiện đại; khu nhà khách với 36 phòng cho sinh viên thực hành các nghiệp vụ như lễ tân, buồng, bàn…trước khi sinh viên đi thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Tiến sĩ Ngô Văn Thiện - Trưởng Khoa Kinh tế, cho biết: “Chương trình đào tạo của Khoa được thiết kế rất linh hoạt, với kế hoạch đào tạo một năm 3 học kỳ, tùy theo năng lực của mỗi sinh viên, các em có thể lập kế hoạch học tập từ 3 đến 4 năm, thậm chí sớm hơn để hoàn thành khóa học. Để đảm bảo cho sinh viên sau khi ra trường có thể tác nghiệp được mà không cần phải đào tạo lại, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, thời gian gần đây Khoa đã rà soát lại chương trình đào tạo và điều chỉnh lại theo hướng tăng dần thời lượng cho sinh viên thực hành và trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Một số học phần Khoa đã mạnh dạng đề xuất với Nhà trường cho phép được kết hợp đào tạo thực tế tại doanh nghiệp thay vì học trên lớp như: học phần khai báo thuế, thương mại điện tử, nghiệp kinh doanh khách sạn, resort, khu nghĩ dưỡng...”

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT HỢP TÁC

Theo tiến sĩ Ngô Văn Thiện, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, nhất là phục vụ nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của TP. Phú Quốc, khoa Kinh tế đã phối hợp Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mặt trời Phú Quốc, thuộc Tập đoàn Sun Group tổ chức đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện. Theo thỏa thuận hợp tác, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mặt trời Phú Quốc hỗ trợ trường về nghiệp vụ thực tế; đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên; ưu tiên tiếp nhận sinh viên trường đến thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp, công ty của chi nhánh; ưu tiên tuyển dụng sinh viên Trường Đại học Kiên Giang, nhất là các trường hợp có học lực giỏi do trường giới thiệu và những sinh viên đã thực tập tại tại các cơ sở của chi nhánh, có kết quả thực tập tốt...

Sinh viên khoa Kinh tế tham gia học tập trên lớp

Bên cạnh đó, khoa Kinh tế đã ký hợp tác được với nhiều doanh nghiệp như: Vingroup, Lienviet Post Bank Kiên Giang, các công ty tư vấn tài chính kế toán trên địa bàn Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho các em có thể xin thực tập, trải nghiệm, sớm tiếp cận với môi trường làm việc, chuẩn bị cho các em có điều kiện tốt nhất trước khi ra trường xin việc làm.

Trong thời gian tới, khoa Kinh tế sẽ tăng cường hơn nữa việc đào tạo sinh viên gắn kết với doanh nghiệp nhất là các ngành đòi hỏi sinh viên cần phải có nhiều kỹ năng như kế toán, kinh doanh khách sạn, tài chính - ngân hàng; tăng cường chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với một số ngành đòi hỏi khả năng sử dụng tiếng Anh cao như kinh doanh du lịch, khách sạn theo hướng công nhận các chứng chỉ quốc tế thay vì thi chuẩn đầu ra tại trường như hiện nay.

Dự kiến năm 2022, Khoa Kinh tế sẽ mở thêm 1 chuyên ngành mới là Đầu tư tài chính. Tiến sĩ Ngô Văn Thiện nhận định đây là chuyên ngành rất hot hiện nay, khi theo học sinh viên sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực như đầu tư chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản…

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons