You are here

  • 17.11.2020 | 1,510 lượt xem | Nguyễn Hoàng Phúc

Hội thảo khoa học: “Ứng dụng Prebiotic Lactic để tăng cường khả năng kháng bệnh EMS trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng”

Ngày 16/11, Trường Đại học Kiên Giang đã phối hợp cùng Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng Prebiotic Lactic để tăng cường khả năng kháng bệnh EMS trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng”.

Khách mời, giảng viên và sinh viên tham dự Hội thảo khoa học

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang; ông Nguyễn Sỹ Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang; giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kiên Giang; đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang, Trường Đại học An Giang,  cùng đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh.

TS. Nguyễn Văn Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang phát biểu tại Hội thảo

Nội dung chính của Hội thảo nằm trong dự án Khoa học và công nghệ thuộc chương trình Tây Nam Bộ do Trường Đại học An Giang chủ trì và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Trường Đại học An Giang làm Chủ nhiệm. Hội thảo có 5 tham luận trình bày và trao đổi về: Tổng quan tình hình quản lý dịch bệnh trên tôm tại Kiên Giang; Biện pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp; Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất prebiotic từ vi khuẩn Lactic ứng dụng trong sản xuất thức ăn cho tôm nhằm hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp; Vai trò của Prebiotic Lactic bổ sung tới khả năng sống của tôm; Fructooligosacharides – Phương pháp xác định FOS trong cám gạo.

Theo TS. Nguyễn Hữu Thanh, Prebiotic từ vi khuẩn Lactic được bổ sung vào thức ăn tôm làm tăng khả năng sống sót, cải thiện tiêu hóa và miễn dịch ở Tôm thẻ chân trắng; góp phần xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo ra nền công nghiệp nuôi tôm sạch hạn chế kháng sinh.  Prebiotic từ vi khuẩn Lactic có khả năng ứng dụng cho các đối tượng thủy hải sản nuôi trong qui mô công nghiệp khác.

TS. Nguyễn Hữu Thanh  đến từ Trường Đại học An Giang  trình bày kết quả nghiên cứu quy trình sản xuất Prebiotic từ vi khuẩn Lactic tại Hội thảo

Để khẳng định vai trò của Prebiotic Lactic, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả gồm TS. Nguyễn Hữu Yến Nhi, ThS. Trịnh Thị Lan và  ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng cho thấy sản phẩm prebiotic ESP (Extra polymer substrances) từ dự án nghiên cứu khi bổ sung vào thức ăn cho tôm đã mang lại hiệu quả như hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao tỷ lệ sống, tăng cường vi khuẩn lactic có lợi trong đường ruột, hạn chế vi khuẩn gây hại trong ruột, đáp ứng khả năng nâng cao sức sống cho Tôm chống bệnh EMS.

Ông Nguyễn Sỹ Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang trình bày tham luận tại Hội thảo

Từ góc độ nhà quản lý, theo ông Nguyễn Sỹ Minh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, nguyên nhân gây bệnh trên tôm là do: thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khắc nghiệt hơn làm cho mức độ rủi ro của nghề nuôi thủy sản ngày càng tăng; môi trường nước nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng ngày càng suy thoái; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và công trình ao nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng con giống không đảm bảo tình trạng người dân thả nuôi không theo lịch thời vụ, nuôi quanh năm làm tích tụ mầm bệnh khi có bệnh truyền nhiễm không báo với cán bộ thú y cơ sở, không thực hiện khử trùng theo quy định; thải nước trực tiếp ra môi trường,...

Các chuyên gia và nhà khoa học chia sẻ tại Hội thảo

Trao đổi về việc phòng tránh bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, ThS. Nguyễn Thị Phường – Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Kiên Giang đưa ra lời khuyên: người nuôi cần chọn con giống chất lượng, khỏe mạnh, sạch bệnh; quản lý tốt môi trường ao nuôi; bổ sung men tiêu hóa, acid hữu cơ giúp tôm tiêu hóa tốt và ức chế vi khuẩn đường ruột, bổ sung nhiều khoáng chất cho tôm trong 45 ngày đầu chu kỳ lột xác của tôm; ...

Sinh viên Trường Đại học Kiên Giang giao lưu, trao đổi học thuật tại Hội thảo

Ngoài ra, tại Hội thảo, đại biểu cũng đã được nghe trình bày nhiều nội dung về vai trò của prebiotic lactic đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú; giới thiệu về những tác động sinh lý của Fructooligosacharides trong việc cải thiện hệ vi sinh vật hữu ích,...

Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang giao lưu, trao đổi học thuật tại Hội thảo

DUYÊN NGỌC

AddThis Sharing Buttons