You are here

  • 25.03.2022 | 1,409 lượt xem | Như Ngọc

ĐÀO TẠO SINH VIÊN SƯ PHẠM VÀ XÃ HỘI GẮN VỚI NHU CẦU THỰC TIỄN

Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn, Trường Đại học Kiên Giang không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

XU THẾ TẤT YẾU

Qua khảo sát nhu cầu xã hội, Trường Đại học Kiên Giang nhận thấy việc đào tạo ngành du lịch và các ngành sư phạm là nhu cầu tất yếu, đáp ứng xu thế phát triển kinh tế - xã hội.

Kiên Giang có lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch với đa dạng loại hình, do đó Nhà trường đào tạo ngành du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là thành phố Phú Quốc. Ngoài ra, các địa phương vùng tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng cần nguồn nhân lực rất lớn để đáp ứng điều kiện phát triển ngành du lịch. Không chỉ Kiên Giang mà các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa “giải” được “cơn khát” nguồn nhân lực ngành này. Sau đào tạo, sinh viên có thể làm việc ở các doanh nghiệp du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn hoặc trong cơ quan, đơn vị Nhà nước về quản lý, quản trị du lịch…

Sinh viên khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn

Bên cạnh đào tạo ngành Du lịch, Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn còn đào tạo thêm 3 ngành, gồm: Luật, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Sư phạm Toán với tổng số sinh viên hiện có là 511 (trong đó 438 sinh viên chính quy, 73 sinh viên liên thông). Để bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, Khoa xây dựng chương trình đào tạo có từ 30% đến 40% thời gian thực hành, thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, trường học, văn phòng. Với mục tiêu đào tạo sinh viên trên nền tảng công việc, vững về nghề, giỏi về chuyên môn; bồi đắp cho sinh viên lòng yêu nghề và tính trách nhiệm trong công việc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn: “Nhiều thay đổi trong chính sách đào tạo giáo viên thời gian tới cũng tác động không nhỏ đến việc đào tạo khối ngành sư phạm. Hiện nay Trường Đại học Kiên Giang miễn học phí cho tất cả sinh viên thuộc hệ sư phạm nếu có cam kết phục vụ ngành sau khi tốt nghiệp. Dự kiến trong năm 2022, Trường Đại học Kiên Giang sẽ mở thêm ngành Giáo dục Tiểu học, hiện nay đây là ngành học có nhiều cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp. Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển ổn định trên địa bàn tỉnh”.

Đến thời điểm này, Khoa đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở mã ngành Giáo dục Tiểu học trong năm học 2022-2023. Khoa xác định đào tạo cử nhân Ngành Giáo dục tiểu học có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực dạy học, giáo dục học sinh theo yêu cầu đổi mới của nền giáo dục, nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu của giáo dục tiểu học trong tương lai. Đảm bảo khi tốt nghiệp chuyên ngành này người học sẽ trở thành giáo viên cốt cán của bậc tiểu học.

CHUẨN BỊ CHU ĐÁO

Đào tạo các ngành thuộc khối sư phạm và xã hội nhân văn là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, mang tính chiến lược của Trường Đại học Kiên Giang. Trường trải qua quá trình khảo sát nhu cầu xã hội để xác định mục tiêu, xây dựng chương trình đào tạo theo đúng quy định, phù hợp yêu cầu về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện với lộ trình, bước đi phù hợp.

Đối với ngành Du lịch, Khoa được Nhà trường hỗ trợ 20 phòng khách trang bị theo tiêu chuẩn 2 sao, là cơ sở thực hành của sinh viên ngành du lịch. Để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc thực tế, trường ký kết hợp tác với tập đoàn Vingroup, Sun Group và nhiều công ty, doanh nghiệp, văn phòng thuộc lĩnh vực du lịch, pháp luật để phối hợp đưa sinh viên đến thực hành, thực tập. Đồng thời, kết nối liên kết với các trường THPT đưa sinh viên ngành sư phạm đến thực tập, giao lưu, học hỏi, tiếp cận môi trường giáo dục để sinh viên được truyền thụ, chia sẻ kinh nghiệm,...

Bạn Lê Thị Mỹ Trân, sinh viên ngành Sư phạm Toán, khóa 3 đang giảng dạy tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP. Rạch Giá

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn chia sẻ: “Để đào tạo đạt chất lượng, bên cạnh nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên cơ hữu, khoa sẽ mời nhân sự của các công ty, doanh nghiệp lữ hành, Luật sư giảng dạy các học phần về nghiệp vụ giúp sinh viên tiếp cận thực tiễn nhiều hơn; mời các cán bộ quản lý ngành du lịch, ngành luật trong các cơ quan tham gia giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn…”.

Bên cạnh xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, ưu tiên thời lượng thực hành để đảm bảo sinh viên tiếp cận tốt công việc sau tốt nghiệp, Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, xây dựng cấu trúc chương trình theo hướng tích hợp mang tính chất liên ngành. Theo đó, các ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, ngành này là nền tảng, tạo điều kiện cho ngành khác phát triển, qua đó sinh viên có sự liên kết kiến thức, thích ứng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons