You are here

  • 03.11.2021 | 4,355 lượt xem | Như Ngọc

Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến ứng phó dịch bệnh Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong năm học 2021-2022, Trường Đại học Kiên Giang tiếp tục triển khai hình thức dạy và học trực tuyến nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo kế hoạch đào tạo của Nhà trường. Nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được áp dụng, tạo hiệu quả khá tốt.

Tăng cường quản lý chặt chẽ

TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, cho biết để quản lý việc thực hiện giảng dạy trực tuyến, đánh giá học phần đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo, khách quan, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo, xây dựng ban hành "Quy định Tổ chức dạy và học trực tuyến tại Trường Đại học Kiên Giang" và “Quy định Hướng dẫn tổ chức đánh giá học phần theo hình thức trực tuyến tại Trường Đại học Kiên Giang" làm cơ sở cho các đơn vị liên quan, giảng viên và sinh viên thực hiện tốt.

Thực hiện được chủ trương trên, Trường Đại học Kiên Giang đã tạo hệ thống, nền tảng giảng dạy online; tăng cường phân cấp quản lý về các khoa; giảng dạy trên các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu đảm bảo cho người học dễ tiếp cận, dễ sử dụng như: Google Meet, Zoom, Moodle, Google Classroom, Microsoft Teams,..

Nhà trường làm việc với các đối tác để xây dựng ứng dụng phục vụ dạy và học cho toàn trường

Trong năm học 2021-2022, để đảm bảo tốt hơn nữa cho việc dạy và học trực tuyến Trường Đại học Kiên Giang đã hợp đồng với Công ty ASC Sài Gòn xây dựng một ứng dụng phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến chung cho toàn trường. Ứng dụng này cung cấp nhiều tính năng phục vụ tốt cho việc quản lý học phần, quản lý sinh viên…và nhiều tính năng phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy trực tuyến.

Nhằm đảm bảo tiến độ giảng dạy và chất lượng đào tạo, Nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy và học; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sinh viên khóa mới kỹ năng, sử dụng công cụ, phần mềm học trực tuyến; cách thức khai thác sử dụng thư viện số; linh hoạt bố trí lịch học ưu tiên học các học phần lý thuyết bằng hình thức trực tuyến trước, và bố trí lịch học các học phần thực hành, thí nghiệm học sau (theo hướng học trực tiếp và có biện pháp phòng chống dịch trong từng tình huống).

“Theo kế hoạch, Trường Đại Kiên Giang sẽ tổ chức cho sinh viên học các học phần thực hành, thí nghiệm từ ngày 8/11 và cho sinh viên tập trung về trường học tập trực tiếp trên lớp từ đầu học kỳ 2. Sau khi các em đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 từ 1 đến 2 mũi (14 ngày trở lên kể từ ngày tiêm) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, thích ứng với trạng thái bình thường mới” – TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho biết thêm.

Do đã có sự chuẩn bị từ các đợt dịch trước nên trong đợt này các Khoa đã chủ động sử dụng các phần mềm học tập trực tuyến để phục vụ cho công tác giảng dạy. TS. Đỗ Lê Bình – Trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Kiên Giang cho hay, để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, các giảng viên khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã xây dựng bài giảng trên nền tảng ứng dụng Moodle/Gnomio kết hợp với công cụ Google Meet để giảng viên trao đổi trực tuyến cũng như giảng dạy, giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Các file bài giảng sẽ được tích hợp lên trang web của khoa Kỹ thuật – Công nghệ theo từng học phần, hỗ trợ sinh viên học trực tuyến có thể xem lại bài giảng, ôn tập kiến thức và thực hiện các bài tập giảng viên giao. Việc đánh giá, kiểm tra cuối học phần cũng được khoa tiến hành trên nền tảng trực tuyến, theo dõi thí sinh làm bài qua camera và bố trí 2 giám thị coi thi cho mỗi học phần, đảm bảo khách quan, minh bạch và đã đạt được kết quả khá tốt.

Nâng cao vai trò của người học

Chia sẻ về việc dạy học trực tuyến hiệu quả trên môi trường Moodle, ThS. Nguyễn Thiện Nhân - Giảng viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ cho biết giảng viên cần xây dựng các kịch bản cho bài giảng phù hợp và linh hoạt cho từng môn học. Trong đó bao gồm các kịch bản về âm thanh, hình ảnh, dàn dựng video, xây dựng bài kiểm tra đánh giá dạng trắc nghiệm (QUIZ), bài kiểm tra dạng tự luận (ASSIGNMENT) phù hợp cho từng giai đoạn của bài giảng. Đồng thời giảng viên cũng cần sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ biên tập bài giảng như iSpringSuite trên Powerpoint, Camtasia,...hoặc các công cụ hỗ trợ thuyết trình trực tuyến như Google meet, Zoom,…

ThS. Nguyễn Thiện Nhân - Giảng viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ trong giờ dạy online

Đặc thù của các môn cơ sở ngành của khối ngành kỹ thuật thường mang tính chất hàn lâm cho nên sinh viên dễ bị căng thẳng hoặc dễ bị tình trạng online cho có mặt chứ không tập trung vào bài giảng. Để giải quyết các vấn đề này, theo thầy Nhân giảng viên nên phân phối thời gian thành nhiều phân đoạn nhỏ giữa việc giảng lý thuyết, kết hợp làm bài test ngắn dạng trắc nghiệm, video và câu hỏi thảo luận, cuối mỗi bài test ngắn này giảng viên nên đánh giá nhanh và tìm cách điều chỉnh cho sinh viên.

“Việc tổ chức các bài test ngắn này còn giúp giảng viên theo dõi kịp thời tình trạng tập trung của sinh viên cũng như khả năng tiếp thu bài để kịp thời cải tiến phương pháp cũng như điều chỉnh khối lượng kiến thức phù hợp cho tiết giảng tiếp theo” – ThS. Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

ThS. Bùi Phương Thảo – Giảng viên khoa Ngoại ngữ, chuẩn bị trước giờ lên lớp

Theo ThS. Bùi Phương Thảo – Giảng viên khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Kiên Giang, một trong những yếu tố quyết định cho chất lượng của lớp học trực tuyến đó chính là tâm lý của người dạy, cần thoải mái, tích cực để truyền cảm hứng học tập cho sinh viên, từ đó xây dựng bầu không khí lớp học sôi nổi, thu hút sự tương tác của sinh viên, giúp các em có nhiều hoạt động, tránh nhàm chán khi học trên lớp học online. Trong quá trình giảng dạy lý thuyết giảng viên cần phải tăng cường tương tác với sinh viên nhiều hơn bằng các phương pháp như vấn đáp, biểu quyết đánh giá, bình luận, khen ngợi, khích lệ, ghi nhận những ý tưởng mới của sinh viên để các em nổ lực đóng góp ý kiến, xây dựng bài, góp phần nâng cao vai trò của người học.

Mặt khác để tạo ra sức lôi cuốn trong quá trình giảng dạy trực tuyến thì việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ trực tuyến là điều hết sức cần thiết như sử dụng kết hợp Smart Phone, mạng xã hội Zalo, Facebook, để giữ kết nối và tương tác hiệu quả.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons