You are here

  • 26.03.2020 | 1,417 lượt xem | Võ Hoàng Nhân

Tăng cường dạy và học qua mạng để ứng phó với dịch Covid -19

Để đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid–19, hạn chế sinh viên tập trung đến lớp, Trường Đại học Kiên Giang đã thay đổi hoạt động giảng dạy - học tập của giảng viên và sinh viên sang hình thức dạy - học trực tuyến.

Khi dịch bệnh tạo cơ hội dạy và học qua mạng

Dịch Covid-19 đã được WHO công bố là đại dịch toàn cầu, đang diễn biến hết sức khó lường. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tạo cơ hội để rèn cho sinh viên kỹ năng tự học, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy đổi mới đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với nền công nghiệp 4.0.

ThS. Huỳnh Minh Trí – Phó Trưởng khoa Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay khoa này đã ngừng cho sinh viên đến lớp và toàn bộ các học phần đều áp dụng giảng dạy và học trực tuyến hình thức online qua hệ thống Meet.google.com của Google.

Lịch học trực tuyến (online) được thực hiện đúng theo thời khóa biểu của trường đã sắp trước đó. Theo thầy Trí, để giảng dạy lý thuyết giảng viên có thể trình chiếu slide hoặc trình bày thông qua bảng viết được quay video trực tiếp, riêng phần thực hành sinh viên có thể làm bài tập để nộp qua thư điện tử (email) đúng hạn cho giảng viên.

Với cách dạy này, giảng viên sẽ đánh giá thường xuyên sinh viên thông qua bài tập hàng ngày và các chuyên đề môn học. Qua quá trình triển khai bước đầu khá thuận lợi cho giảng viên và sinh viên do không bị động về thời gian, địa điểm, tạo sự thoải mái trong giảng dạy học tập, nâng cao ý thức trao đổi thông tin, làm bài tập qua mạng. Lớp học luôn có hơn 85% sinh viên có mặt và tương tác tốt.

Trong mùa dịch, hình thức dạy và học online đã và đang đem lại nhiều thuận lợi cho giảng viên, sinh viên. Theo đó, nhiều cách làm, sáng tạo được áp dụng vào bài giảng tạo ra hứng thú học tập trong không gian mới.

ThS. Nguyễn Thiện Nhân – Giảng viên khoa Kỹ thuật công nghệ đang thiết kế bài giảng E-Learning

ThS. Nguyễn Thiện Nhân – Giảng viên khoa Kỹ thuật công nghệ đã chuẩn bị bài giảng theo chuẩn LMS (Learning Management System) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Với các học phần được phân công giảng dạy, thầy Nhân tạo sẵn các bài giảng E-Learning đăng trên website của trường để sinh viên tiện theo dõi, học tập. Bên cạnh đó, thầy Nhân còn tích hợp nhiều ứng dụng trên bài giảng thông qua web như: chat, room meeting, bài tập, bài kiểm tra… tạo sự tương tác giữa dạy và học đối với giảng viên và sinh viên.

Thầy Nhân cho hay, với cách học này, sinh viên có thể chủ động hơn, thầy thường yêu cầu sinh viên đọc trước bài giảng của giảng viên, ghi chú và đặt câu hỏi với những vấn đề còn thắc mắc, nếu chưa hiểu bài có thể bật lại video để nghe giảng lại. Điều này đã tạo sự thuận lợi, truyền đạt kiến thức kịp thời cho sinh viên, đủ, đúng theo chương trình đào tạo. Giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm, rèn luyện các thao tác, sử dụng phần mềm cùng giảng viên.

Chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kết nối

ThS. Danh Ngọc Thắm - Giảng viên Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn đang hướng dẫn các giảng viên khác trong khoa thiết kế bài giảng qua phần mềm

ThS. Danh Ngọc Thắm - Giảng viên Khoa Sư phạm và Xã hội Nhân văn, cô hiện là chuyên gia giáo dục sáng tạo trên nền công nghệ thông tin năm 2019 – 2020 được công nhận bởi Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert - MIEE).

Cô Thắm cho hay trong quá trình giảng dạy online, để tránh nhàm chán cho sinh viên ngành Sư phạm Toán ngoài việc sử dụng Word và PowerPoint, cô còn thường xuyên kết hợp nhiều ứng dụng khác như sử dụng sơ đồ tư duy Okminmand, Forms, Quizlet, Quizzi, Kahoot, …

Cô Thắm chia sẻ, để tạo buổi học trực tuyến giáo viên và sinh viên cần tương tác và kết nối thật nhiều. Trong lúc tham gia lớp học trên không gian ảo, người dạy và người học có thể chia sẻ màn hình, cho phép ghi lại video buổi học và được lưu trực tiếp trên Microsoft Stream, nhắc nhở sinh viên, giao bài tập, chấm điểm, đánh giá khen thưởng giúp tăng động lực học tập cho sinh viên.

Ngoài ra, giảng viên còn có thể quản lý lớp học rất tiện lợi thông qua quyển sổ tay lớp học (ClassNoteBook) được tích hợp sẵn, mỗi sinh viên sẽ có một quyển sổ riêng và giảng viên có thể kiểm soát được việc học cũng như việc lên lớp của sinh viên.

Để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao, cô Thắm thường dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn các giảng viên khác trong khoa các tiện ích của phần mềm mà cô đang sử dụng, cũng như trao đổi, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện giảng dạy trực tuyến để tìm ra những giải pháp khắc phục.

Nói về việc chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kết nối tài nguyên, ThS. Nguyễn Văn Thống – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ cho biết, khoa đã thực hiện theo chủ trương và sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong giai đoạn phòng chống dịch Covid -19.

Khi triển khai kế hoạch giảng dạy trực tuyến về Khoa thì những giảng viên đã có kinh nghiệm sử dụng phần mềm hoặc hệ thống quản lý lớp học trực tuyến sẽ chia sẻ kinh nghiệm với những giảng viên khác trong khoa.

Do việc dạy học qua mạng internet bắt buộc giảng viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp nên quá trình chuẩn bị bài giảng cũng công phu hơn, đòi hỏi giảng viên phải thông thạo các công cụ và kỹ năng thực hành.

Thầy Thống cho biết thêm, thực tế hiện nay mọi người đang bị quá nhiều thông tin và các công cụ dạy trực tuyến chi phối nên nghĩ là khó thực hiện, nhưng khoa Ngoại ngữ chỉ tập chung chia sẻ với nhau 1 đến 2 công cụ phần mềm mà giảng viên cảm thấy đơn giản, dễ sử dụng nhất, chính vì vậy mà chỉ trong khoảng 2 tuần thì hầu hết các giảng viên trong khoa đều sẵn sàng và tự tin cho việc giảng dạy trực tuyến.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giảng viên khoa Kinh tế - Du lịch cho biết cô chọn thiết kế lớp học trên công cụ Gnomio, đây là một công cụ hữu ích được nhà trường mời chuyên gia về tập huấn cho Giảng viên, trang bị cho Giảng viên các kiến thức và kỹ năng về giảng dạy trực tuyến, hỗ trợ cho việc dạy và học online của giảng viên và sinh được thuận lợi hơn trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đối với việc thiết kế lớp học trên công cụ Gnomio giúp cho giảng viên quản lý được tất cả các hoạt động của sinh viên dựa trên sự lựa chọn các tính năng phù hợp đối với mỗi nội dung của môn học như: tham gia forum để thảo luận, nộp bài tập qua hệ thống, chơi các trò chơi có liên quan đến môn học,…giảng viên kiểm soát được thời gian sinh viên nộp bài tập và rèn luyện được cho sinh viên kỹ năng quản lý thời gian học tập (nghĩa là sinh viên sẽ không nộp được bài nếu quá thời gian giảng viên cho phép), giảng viên chấm điểm trực tiếp trên bài và gửi phản hồi lại cho sinh viên trên hệ thống một cách tự động mà không cần phải gửi lại phản hồi cho từng sinh viên một cách thủ công. Hệ thống còn có tính năng nhắc nhở giảng viên hoàn thành nhiệm vụ chấm điểm cho sinh sau khi sinh viên nộp bài.

NHƯ NGỌC

Sinh viên hào hứng với việc học qua mạng

Bạn Lê Duy Chương, sinh viên lớp B19ST, ngành Sư phạm Toán chia sẻ, Chương thấy việc học trực tuyến qua mạng có nhiều điểm rất hay, thời gian và không gian học tập linh hoạt, sinh viên có thể thay đổi địa điểm học tùy theo ý thích của mình để có thể tiếp thu kiến thức thuận lợi nhất. Trong phần mềm microsoft team giáo viên triển khai cho em học online có thể trao đổi tài liệu, điều này giúp em không phải tốn thêm tiền in tài liệu phục vụ cho việc học. Ngoài ra bài tập giáo viên đưa ra em cũng có thể nộp lại ngay trên phần mềm học rất tiện ích.

 

 

AddThis Sharing Buttons