You are here

  • 26.03.2022 | 1,404 lượt xem | Như Ngọc

Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao để bắt kịp xu hướng 4.0

Trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0, hoạt động đào tạo cần chuyển hướng để bắt kịp với xu hướng việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động. Có thể nói các ngành thuộc khối kỹ thuật công nghệ là yêu cầu bắt buộc, là “hơi thở” của nền công nghiệp 4.0, bởi hiện nay tất cả dây chuyền sản xuất đều cần sự đóng góp của nó.

Theo tiến sĩ Đỗ Lê Bình – Trưởng Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trường Đại học Kiên Giang bên cạnh xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, ưu tiên thời lượng thực hành để đảm bảo sinh viên tiếp cận tốt công việc sau tốt nghiệp, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ còn đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, xây dựng cấu trúc chương trình theo hướng tích hợp mang tính chất liên ngành. Theo đó, các ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, ngành này là nền tảng, tạo điều kiện cho ngành khác phát triển, qua đó sinh viên có sự liên kết kiến thức, thích ứng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thầy và trò Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Kiên Giang tại gian hàng tuyển sinh

Hiện nay, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đang đào tạo 2 ngành là Công nghệ kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Với mục tiêu đào tạo ra những kỹ sư có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, có kiến thức, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp; tăng cường gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động có trình độ tại tỉnh Kiên Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Đỗ Lê Bình, cho biết thêm với ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa đào tạo kỹ sư có khả năng lập trình, điều khiển và tự động hóa các dây chuyền trong các nhà máy sản xuất công nghiệp; không chỉ có kiến thức về các thiết bị điện, điện tử, các hệ thống tự động hóa mà còn có tư duy về lập trình và khả năng xây dựng các hệ thống điều khiển. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở bất kỳ môi trường sản xuất nào có sử dụng hệ thống tự động hóa với các vị trí như kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật trong các dây chuyền sản xuất; kỹ sư hệ thống, kỹ sư tự động hóa; trưởng ban dự án, cán bộ tư vấn, cán bộ quản lý kỹ thuật hoặc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo…

Sinh viên ngành Kỹ thuật Công nghệ Xây dựng trong giờ thực hành

Nhằm hỗ trợ việc đào tạo, Trường Đại học Kiên Giang đã đầu tư khoảng 13 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị máy móc, bố trí 2 phòng thực hành máy và cơ học đất để phục vụ giảng dạy thực hành. Để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc thực tế, Khoa còn tiến hành ký kết hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa để phối hợp đưa sinh viên đến thực hành, thực tập.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo sát với xu hướng, trong năm học 2022 - 2023 Khoa Kỹ thuật – Công nghệ sẽ mở thêm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Với ngành học này sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô – máy động lực, hệ thống truyền động – truyền lực, hệ thống điều khiển,… để có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng liên quan đến ô tô.

ThS. Bùi Kiên An – Giảng viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ giới thiệu về ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng

“Trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, công nghiệp ô tô là ngành quan trọng, cần ưu tiên phát triển để góp phần công nghiệp hóa đất nước. Hơn thế nữa, việc đầu tư của các hãng ô tô nước ngoài vào Việt Nam đang phát triển khá nhanh, do đó liên tục nhiều năm qua ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô được đưa vào danh mục các ngành “nóng” về nhu cầu lao động và nhanh chóng trở thành xu thế lựạ chọn cho các bạn trẻ” – TS. Đỗ Lê Bình nhận định.

NHƯ NGỌC

AddThis Sharing Buttons