You are here

  • 31.03.2019 | 3,756 lượt xem | Võ Hoàng Nhân

Hội thảo Khởi động dự án RISWA

“Risawa – Sản xuất lúa bị thất thoát trong điều kiện hạn và mặn hán – Các lựa chọn trong tương lai cho việc sử dụng bền vững nguồn nước ở ĐBSCL”

    Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án “Risawa”, vừa qua tại trường Đại học Kiên Giang đã diễn ra hội thảo Khởi động dự án “Risawa – Sản xuất lúa bị thất thoát trong điều kiện hạn và mặn hán – Các lựa chọn trong tương lai cho việc sử dụng bền vững nguồn nước ở ĐBSCL”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 28 và 29/03/2019, thu hút nhiều đại biểu tham dự. Về phía đối tác Đức có sự tham dự của các đại diện đến từ trường Đại học Hohenheim, đối tác Việt Nam có sự tham dự của Ban giám hiệu trường Đại học Kiên Giang, đơn vị trực tiếp phối hợp là Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – trường Đại học Kiên Giang. Đặc biệt hội thảo còn vinh dự đón tiếp các đại biểu đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo ở miền Nam Việt Nam, đại diện Viện lúa ĐBSL cùng đông đảo đại biểu là các nhà khoa học đến từ An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau.

   Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Thái Thành Lượm – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho rằng đây là bước đi đầu rất quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển của dự án “Risawa”. Dự án này có tính chất quốc tế, được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức. Việc thực hiện dự án là những chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học trong phạm vi quốc tế như Trường Đại học Hohenheim, Trường Đại học Kiên Giang và Trường Đại học An Giang. PGS.TS Thái Thành Lượm còn nhấn mạnh, đề nghị các bên có liên quan, các nhà khoa học hãy tập trung trí tuệ, thảo luận nhiệt tình các chủ đề của hội thảo để hướng đến các kết quả tốt đẹp nhất. Các chủ đề chính được đặt ra và thảo luận xuyên suốt trong hội thảo là: những cơ hội và thách thức hiện có của vùng ĐBSCL, những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong việc giải quyết các thách thức đó.

PGS.TS Thái Thành Lượm phát biểu khai mạc hội thảo

 

    Những năm gần đây vùng ĐBSCL đã chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mức nước biển dâng cao. Tình trạng nhiễm mặn và hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2015 – 2016 sản xuất lúa ở ĐBSCL đã mất 700.000 nghìn tấn. Vụ Hè Thu (2018) có hơn 2000 ha lúa bị thiệt hại do lở sớm ở Đồng Tháp và Kiên Giang. Trước tình hình này, dự án “Risawa” sẽ là một dự án vừa có ý nghĩa nghiên cứu lý luận vừa mang tính phục vụ cộng đồng cao.

   Tại hội thảo lần này các nhà khoa học cũng đã thảo luận, đưa ra những đánh giá và đề xuất kiến nghị hữu ích cho vấn đề sản xuất lúa bị thất thoát trong điều kiện hạn và mặn hán, các lựa chọn trong tương lai cho việc sử dụng bền vững nguồn nước ở ĐBSCL. Một số kiến nghị nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được TS. Cao Văn Phụng – Viện lúa ĐBSCL đưa ra tại hội thảo như: sắp xếp lại lịch mùa vụ (lúa – tôm); chọn giống chịu được nhiệt, khô hạn và nhiễm mặn, thay đổi mô hình trồng trọt…

   GS.TS Folkard Asch – Đại học Hohenheim cho rằng ý tưởng của dự án không chỉ dừng lại phân tích các tác động, tiến trình mặn hóa ở khu vực ĐBSCL mà thông qua đây còn nghiên cứu đề xuất các ứng dụng công nghệ nhằm giúp người dân hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng do nhiễm mặn và hạn hán.

GS.TS Folkard Asch báo cáo tại hội thảo

    Qua hai ngày làm việc, hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với những thông tin, dữ liệu thu thập được các nhà khoa học đã nhiệt tình thảo luận, trao đổi tại hội thảo. Bước đầu khởi động nghiêm túc và khoa học, chúng tôi tin và hi vọng vào những thành công mà dự án “Risawa” sẽ mang lại. Đây là một trong những dự án lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Chẳng những thế, nếu thành công kết quả dự án sẽ còn được nhân rộng áp dụng cho các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu tương tự như Việt Nam.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo

Một số hình ảnh:

Lê Như

AddThis Sharing Buttons